Liên kết website

Thống kê truy cập

Tin tức - Sự kiện

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp thứ 25

17/08/2023 08:49 15 lượt xem

Ngày 15.8, tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 62 tỉnh, thành trong cả nước. Dự tại điểm cầu T.Ư có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành T.Ư. Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang. Cùng dự có các đồng chí: Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp thứ 25
                                                Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu tập trung chất vấn các vấn đề: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ; thực trạng, giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm quy phạm pháp luật; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…

Tham gia chất vấn, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang nêu: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 04 năm 2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để ban hành văn bản phân cấp chỉ có tại Điều 13, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong thực tế, một số văn bản quy phạm pháp luật của T.Ư không phân cấp cho địa phương. Do đó, nếu chỉ thực hiện phân cấp trong phạm vi được giao tại văn bản quy phạm pháp luật T.Ư sẽ không thể đẩy mạnh hoạt động phân cấp như mong muốn. Vì vậy, cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng về phân cấp để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phân cấp đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn địa phương, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu Hoàng Ngọc Định đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quan điểm về giải pháp nêu trên.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cùng các bộ, ngành liên quan đã giải đáp các vấn đề ĐBQH đưa ra, đồng thời thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện; chỉ ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Riêng đối với chất vấn của ĐBQH tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật của T.Ư, trong đó có Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành. Trong quá trình phân cấp, có chỗ phân cấp về thẩm quyền, có chỗ phân cấp về cách làm, nhưng thủ tục lại chưa có. Tuy nhiên, nếu ban hành thêm một văn bản quy phạm pháp luật riêng về phân cấp thì khó có thể sàng lọc được các nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Vấn đề cơ bản là cần thể chế hóa tốt hơn các quy định của Hiến pháp và chiếu từ phân cấp gốc đến các luật chuyên ngành.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao; các vị ĐBQH đã có sự chuẩn bị kỹ, các câu hỏi có chất lượng, đi thẳng vào nội dung, sát thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của đông đảo cử tri cả nước; các Bộ trưởng nắm chắc thực trạng của ngành và lĩnh vực phụ trách, trả lời cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, đề xuất được nhiều giải pháp đối với từng vấn đề chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Các vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đưa ra tại phiên chất vấn đều là những vấn đề rất cấp thiết, được cử tri, Nhân dân và các vị ĐBQH đặc biệt quan tâm, gắn chặt với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế, đồng bộ hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.


Tin khác