Liên kết website

Thống kê truy cập

Tin tức - Sự kiện

Chuyển đổi số - vận hội mới, thách thức mới

29/08/2023 09:46 30 lượt xem

Việc chuyển đổi số (CĐS) được đẩy mạnh trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Đây được coi là một bước tiến mới, một khâu đột phá quan trọng để ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, hướng tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc nhưng cũng đặt ra rất nhiều những thách thức, rào cản mới.

 

Chuyển đổi số - vận hội mới, thách thức mới
                  Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng Bằng khen các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số. Ảnh: TƯ LIỆU

CĐS thực chất là một cuộc “chuyển mình” từ không gian thực lên không gian mạng, số hóa mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. CĐS sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức, thực hiện những quy trình mới bằng cách mới, tạo ra những giá trị mới và đang là xu hướng diễn ra tất yếu trên toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ.

Với chủ trương kết hợp phát triển tuần tự và phát triển nhảy vọt, “đi tắt, đón đầu” để thu hẹp dần khoảng cách với các quốc gia phát triển trên thế giới. CĐS được đặc biệt nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được xác định là một trong ba trụ cột để phát triển nhanh và bền vững đất nước, đã có tới hơn 50 lần cụm từ “chuyển đổi số” được nhắc lại trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho thấy sự quan tâm và quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta đối với việc CĐS. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, theo đó, nhiều mục tiêu, định hướng được đề ra với kỳ vọng đưa vị thế Việt Nam vươn tầm thế giới.

      

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quang tư vấn chữa bệnh trực tuyến cho người bệnh. Ảnh: TƯ LIỆU
                                              Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quang tư vấn chữa bệnh trực tuyến cho người bệnh. Ảnh: TƯ LIỆU
 

Xác định được tầm quan trọng của CĐS, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 29/10/2021 về CĐS  giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; thành lập Ban điều hành CĐS do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; thành lập 7 tổ công tác trên 7 lĩnh vực chính của CĐS; thành lập Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, Ban điều hành về CĐS; tại các địa phương, tỉnh thí điểm thành lập Ban chỉ đạo CĐS cấp xã và thí điểm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi thôn, bản, tổ dân phố... Đặc biệt, từ năm 2022, Hà Giang lựa chọn ngày 28.8 hằng năm là Ngày CĐS của tỉnh. Qua đó, góp phần tạo động lực, từng bước thúc đẩy phát triển KT - XH tại địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Hà Giang trở thành tỉnh có KT -XH phát triển khá trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2030. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình, cách làm mới về CĐS được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia như: Thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai chợ 4.0, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Toàn bộ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thành lập Ban chỉ đạo về CĐS, đặc biệt, 100% các thôn, bản, tổ dân phố có tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS, góp phần thống nhất và triển khai hoạt động ở mỗi địa phương một cách hiệu quả, qua đó, nhận thức và tư duy của cán bộ, đảng viên về CĐS dần được thay đổi. Bên cạnh đó, Hà Giang đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, đoàn viên, thanh niên và phổ cập kiến thức CĐS cho người dân, doanh nghiệp.

Những lớp học trực tuyến kết nối giữa thầy và trò; người bệnh tham gia khám, chữa bệnh có sự tư vấn của bác sỹ từ xa; công văn giấy tờ được giải quyết thông qua chữ ký số; các cuộc họp trực tuyến được tổ chức góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí; các sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp địa phương được quảng bá, giới thiệu một cách rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử… cho thấy những hiệu quả đáng ghi nhận của nỗ lực CĐS trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Bước đầu khẳng định sự thành công của Nghị quyết số 18-NQ/TU, cho thấy Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi từ nhận thức, tư duy của người đứng đầu. Bởi lẽ, CĐS không chỉ đơn thuần là chuyển đổi về máy móc, khoa học, công nghệ mà quan trọng hơn hết là sự thay đổi về tư duy, suy nghĩ, dám làm hay không dám làm.

Tuy nhiên có thể thấy, CĐS đã và đang tạo ra cho chúng ta rất nhiều nguy cơ, thách thức. Đó chính là nguy cơ mất chủ quyền số quốc gia, những vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng. Kỹ năng số của người dân còn chưa cao, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ CĐS còn chưa đồng bộ là những nguy cơ tiềm ẩn gây ra những hệ lụy từ CĐS.

Để CĐS thực sự trở thành thời cơ, vận hội phát triển KT - XH, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cần từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, thói quen, linh hoạt, nhạy bén tiếp cận những cái mới, học hỏi những cái hay để không ngừng thay đổi, không ngừng thích nghi để không bị bỏ lại phía sau. Không ngừng học tập, nâng cao trình độ để hình thành nên nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập, hợp tác quốc tế. Phấn đấu để trở thành công dân số với 9 yếu tố cấu thành công dân số, bao gồm: Khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần tạo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho người dân, từ đó mỗi cá nhân phải tự nâng cao “sức đề kháng” trong môi trường mạng cho bản thân, tích cực đấu tranh, phản bác với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

CĐS là chủ trương mới, một khâu đột phá quan trọng và có ý nghĩa chiến lược của Đảng ta. Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thành công chủ trương này là một việc làm hết sức quan trọng và cần phải làm ngay. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành cần chung sức, đồng lòng để lan tỏa hơn nữa tinh thần CĐS trong cuộc sống với kỳ vọng và niềm tin sẽ mở ra cho tỉnh Hà Giang nhiều cơ hội thuận lợi, hướng đi mới, quyết tâm mới, xây dựng Hà Giang ngày càng phát triển, văn minh.


Tin khác