Liên kết website

Thống kê truy cập

Thông tin tuyên truyền

"Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" - Kỳ 2: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"

13/11/2020 07:21 31 lượt xem

Tổ dân vận (TDV) - “cánh tay” nối dài của Đảng ở 2.071/2.071 thôn, tổ dân phố của tỉnh đã tạo thành lực lượng nòng cốt lớn mạnh, toàn diện của cả hệ thống chính trị trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống nhân dân.

 .

Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP – điển hình từ công tác “dân vận khéo” ở Bắc Quang.  Trong ảnh: Vườn cam VietGAP của gia đình chị Thào Thị Pàng, xã Vĩnh Phúc.
Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP – điển hình từ công tác “dân vận khéo” ở Bắc Quang. Trong ảnh: Vườn cam VietGAP của gia đình chị Thào Thị Pàng, xã Vĩnh Phúc.

“Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Lời dạy sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là “kim chỉ Nam” cho công cuộc đổi mới CTDV, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nơi địa đầu Tổ quốc. 6 năm qua, việc nhân rộng mô hình TDV đã chứng minh cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hà Giang.

Hiện, đa phần TDV đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong thực hiện CTDV tại cơ sở. Nội dung, phương thức hoạt động ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu, hướng mạnh về cơ sở. Đặc biệt, CTDV đã gần dân, sát dân, hiểu dân; việc làm được công khai, minh bạch theo đúng nguyên tắc xây dựng Đảng; nhiều khó khăn, vướng mắc ở cơ sở được tháo gỡ, làm cho mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được tăng cường. Qua đó, đã thu hút, tập hợp được các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Thực tiễn chứng minh, các TDV đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, dư luận xã hội, dư luận trong nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phục vụ đắc lực công tác tham mưu, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở. Trên cơ sở đó, giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời phản ánh với cấp cao hơn để bàn giải pháp khắc phục, giải quyết tốt những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, không để hình thành “điểm nóng” về chính trị - xã hội. Đặc biệt, các TDV còn chủ động nắm bắt tình hình tôn giáo, an ninh trật tự, nhất là tại những nơi nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc, địa bàn giáp biên giới để tham mưu cấp ủy thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng và nuôi dưỡng 484 mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) trong vùng dân tộc, tôn giáo, điển hình như: “Làng Mông kiểu mẫu”, “Điểm nhóm đạo Tin lành tự quản về ANTT”; “Tổ tự quản về ANTT, khu phố mới văn minh không tệ nạn xã hội” hay mô hình “Dân tộc Hoa tự quản về ANTT”. Qua đó, góp phần đảm bảo ANTT, đẩy lùi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia...

Tiêu biểu trong công tác kịp thời nắm bắt dư luận, tham mưu cấp ủy xử lý hiệu quả phải kể đến huyện Hoàng Su Phì. Các TDV đã chủ động nắm tình hình, phát hiện 3 vụ chặt phá rừng trái phép; ngăn chặn 26 cặp chuẩn bị cưới tảo hôn; 8 công dân chuẩn bị sang Trung Quốc lao động tự do. Còn huyện Mèo Vạc tuyên truyền, vận động 82 hộ theo đạo trái pháp luật (bỏ bàn thờ, không thờ cúng tổ tiên) trở lại phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Riêng huyện Vị Xuyên, nhiều TDV tích cực vận động nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án lớn. Ví như TDV thôn Lùng Châu (Phong Quang) vận động 79 hộ dân giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH True milk; TDV thôn Lùng Chu Phùng, thôn Bản Phùng (Lao Chải) vận động 40 hộ dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở; TDV tổ dân phố 18 (thị trấn Vị Xuyên) vận động nhân dân giải phóng mặt bằng với tổng diện tích lên đến 10,2 ha để thực hiện Dự án Tu bổ, mở rộng, quy tập Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên…

Không dừng ở kết quả trên, nhiều TDV có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện “Dân vận khéo” để góp phần tạo nên hơn 1.600 mô hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu như huyện Bắc Quang có mô hình sản xuất cam VietGAP (Vĩnh Hảo); trồng Thanh long ruột đỏ (Đồng Yên); tự quản cá suối tự nhiên (Tân Lập); huyện Yên Minh có mô hình trồng chuối Tiêu hồng (Na Khê), chăn nuôi bò vỗ béo (Đường Thượng và Mậu Duệ); huyện Vị Xuyên có mô hình “Dòng họ khuyến học”, “Tổ phụ nữ liên kết cùng phát triển”, “Vận động nhân dân bảo vệ đường biên, mốc giới”; thành phố Hà Giang có 29 mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” với hình thức: Xóm trọ an toàn, xã hội hóa lắp đặt camera an ninh, cổng trường an toàn giao thông... Đặc biệt, thông qua TDV, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, đi vào thực chất hơn. Từ năm 2016 đến nay, các TDV đã vận động nhân dân hiến gần 2,5 triệu m2 đất làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi; đóng góp gần 1,5 triệu ngày công; hỗ trợ bằng tiền, hiện vật trị giá hơn 360 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các công trình phúc lợi, góp sức xây dựng NTM, đô thị văn minh...

Từ những kết quả nổi bật trên có thể thấy, hoạt động của TDV góp phần tạo chuyển biến vượt bậc và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, chính trị tại địa phương. Đồng thời chứng minh vai trò cầu nối trực tiếp với người dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.


Tin khác